Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm gây thành dịch do muỗi vằn truyền bệnh. Bệnh thường xảy ra vào những tháng xuân hè, mùa mưa, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh rất nguy hiểm vì tốc độ lan truyền nhanh, chưa có thuốc đặc trị và chưa có vaccin phòng bệnh. Sốt xuất huyết dễ gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trong thời điểm giao mùa hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát cao. Hiện nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện ca mắc sốt xuất huyết.
Nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết từ môi trường
Muỗi vằn - tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết chỉ có thể tồn tại trong môi trường kém vệ sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh sốt xuất huyết trở nên trầm trọng hơn là con người tạo ra ngày càng nhiều nơi cho muỗi sinh sản như: Thói quen vứt rác bừa bãi (bao nylon, lon rỗng, hộp xốp, vỏ xe…) không những làm ô nhiễm môi trường mà còn gây ra tình trạng nước đọng tạo môi trường thuận lợi cho lăng quăng phát triển; Không vệ sinh thường xuyên các vật chứa nước như: bồn hoa, chậu cây kiểng, hòn non bộ, các lu, vại, hồ chứa nước không có nắp đậy, máng nước đọng trên mái nhà…Ngoài ra, các bãi đất trống bỏ không hay những công trình xây dựng đang dang dở cũng là nơi sinh sản lý tưởng của muỗi. Vùng dịch thường là nơi có mật độ dân số cao, không gian sinh hoạt chật hẹp và ẩm thấp, người dân lại thường xem nhẹ các thói quen như nằm màn, diệt muỗi, diệt bọ gậy, hoặc chưa hình thành thói quen loại bỏ hố nước đọng quanh nhà.
Phòng chống sốt xuất huyết: phải nâng cao nhận thức cộng đồng
Theo các chuyên gia y tế, trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng khi mưa bắt đầu vào mùa. Thêm đó, diễn biến thất thường của thời tiết, tình trạng ô nhiễm môi trường là những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ sốt xuất hiện.
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn mang mầm bệnh chích vào người và lan truyền từ người này sang người khác. Chỉ một lần trích muỗi đã có thể truyền bệnh sốt xuất huyết cho người. Vì vậy việc phòng chống sốt xuất huyết là trách nhiệm chung của toàn cộng đồng, trong đó tập trung nâng cao nhận thức cho người dân về việc phòng chống dịch bệnh và khả năng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết cần làm tốt những biện pháp sau: Vệ sinh môi trường sống để ngăn sự phát triển của muỗi: nhà cửa thông thoáng, thu dọn các vật chứa nước cặn... Các vật dụng chứa nước cần vệ sinh thường xuyên và có nắp đậy kín, không vứt rác bừa bãi, thực hiện dọn dẹp rác ở các bãi đất trống; ngủ màn cả ban đêm lẫn ban ngày; mặc quần áo dài tay, không cho trẻ chơi những chỗ tối, bụi rậm...
Chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp cũng cần chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống một cách đồng bộ thông qua các chiến dịch diệt muỗi, vệ sinh môi trường và kiểm tra nhắc nhở định kỳ.
Bên cạnh việc phòng chống, cần chú ý theo dõi để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Khi có những triệu chứng như sốt cao đột ngột, đau đầu, đau bụng, cơ thể mệt mỏi, xuất huyết dưới da làm lộ những chấm nhỏ màu đỏ, đốm... cần đến khám tại các cơ sở Y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./.