Hàng năm vào dịp tết trung thu việc sản xuất và tiêu thụ bánh trung thu rất lớn, đây cũng là mối quan tâm trong việc đảm bảo vệ sinh và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao, nên vào dịp Tết Trung thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này. Phần lớn các cơ sở có tên tuổi đều đảm bảo được quy định sản xuất an toàn cho các loại bánh. Tuy nhiên một số cơ sở nhỏ, thủ công đã cố ý hoặc vô ý sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không đảm bảo, cơ sở sản xuất chật hẹp, nhân viên không được khám sức khỏe, nặn bánh trực tiếp bằng tay chưa rửa sạch.
*Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh:
- Nhằm vào thị hiếu của trẻ em, nhiều cơ sở sản xuất các loại bánh hình các con vật nhiều màu sắc từ các loại phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại cho người ăn.
- Nguyên liệu làm nhân bánh Trung thu thường có trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xườn...là những thứ dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển.
* Tình trạng sản xuất bánh Trung thu hàng giả vẫn đang tồn tại:
Giả cả về nhãn mác và giả cả về chất lượng, về nguồn gốc xuất xứ, kiểu dáng công nghiệp....Một số cơ sở sản xuất bánh Trung thu chỉ ghi hạn dùng đến ngày nào đó mà chưa ghi ngày sản xuất, nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Với bánh dẻo, trung bình hạn dùng chỉ từ 8-10 ngày, với bánh nướng có thể tới 20-30 ngày.
Nguy hiểm nhất là người ăn không nhận biết được hậu quả của nó, ăn vẫn thấy ngon cần cảnh giác với các yếu tố độc hại có thể có như chất bảo quản, phẩm màu độc hại, sự hư hỏng biến chất bên trong.”
Để đảm bảo có một cái tết trung thu vui vẻ, an toàn sức khỏe cho mọi gia đình. Căn cứ Công văn số 1888/ATTP-NĐTT ngày 15/8/2023 của bộ Y tế (cục an toàn thực phẩm) về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023.
UBND xã Thái Học khuyến cáo nhân dân cần phải đảm bảo VSATTP từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng:
- Nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không nên chỉ vì ham của rẻ mà mua những sản phẩm không có nhãn mác, xuất xứ.
- Người tiêu dùng nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra kỹ nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng; không sử dụng bánh đã mốc, hỏng.
- Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
- Bánh trung thu ngon, còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không rớt.
- Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh.
- Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giầu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.
Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình mọi người hãy cùng góp sức thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc và đặc biệt mỗi người tiêu dùng hãy trở thành “Người tiêu dùng thông thái” chỉ mua và sử dụng bánh Trung thu bảo đảm bảo vệ sinh ATTP